Chợ nổi Phụng Hiệp - phiên chợ của sắc màu

      Chợ nổi rải rác khắp miền Tây Nam Bộ. Nổi tiếng hơn cả là chợ nổi Cái Bè ( Tiền Giang), Trà Ôn( Vĩnh Long), Cà Mau - còn được gọi là chợ nổi Ngã Năm ( Cà Mau), Ngã Năm ( Sóc Trăng) và Cái Răng ( Cần Thơ), Phụng Hiệp – còn được gọi là chợ Ngã Bảy (Hậu Giang). Có chợ bán sỉ, có chợ vừa bán sỉ vừa bán lẻ, có chợ chỉ họp buổi sáng, có chợ họp cả ngày. Có chợ chỉ bán trái cây, có chợ thêm thủy hải sản, gia cầm, đồ gia dụng, nông sản, lúa gạo, thực phẩm… Đã đi đủ khắp các chợ nổi vùng đất Chín Rồng, mỗi chợ có nét đáng yêu riêng, nhưng để lại nhiều dư vị nhất cho tôi là chợ nổi Phụng Hiệp.


Chợ Phụng Hiệp còn gọi  là chợ nổi Ngã Bảy bởi chợ họp ngay vùng hợp lưu của 7 con sông nhỏ : Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Còn, Mang Cá và Kênh Xáng.

         Nằm cạnh Quốc lộ 1, giữa đường đi Cần Thơ và Sóc Trăng, cách mỗi tỉnh chừng 30km, chợ nổi Phụng Hiệp đặc biệt hơn các chợ nổi khác vì giao thông thuận lợi , có bề dày lịch sử và có quy mô hoạt động lớn. Chợ hình thành từ năm 1915 ở Ngã Bảy Phụng Hiệp, trung tâm đầu mối giao thông đường thủy lớn nhất trong vùng. Lúc bấy giờ, “ngôi sao Phụng Hiệp” như cách gọi của người Pháp, đã tấp nập nghe thuyền, mỗi ngày hơn 300 chiếc nhộn nhịp. Các làng nghề đóng ghe thuyền được hình thành cùng với chợ nổi ở các đầu “doi” Tân Thới Hòa, Chành, Cát, dài hơn 1km với hàng trăm hộ. Thời hưng thịnh, có ngày gần cả ngàn ghe thuyền về Ngã Bảy họp chợ, như một cửa hàng bách hóa tổng hợp khổng lồ, sống động, có thể mua sỉ, bán lẻ, cực kỳ đa dạng, từ hàng hóa đến màu sắc, âm thanh đến không gian đều đậm đặc chất Nam Bộ. Sản phẩm của vùng đất Chín Rồng theo con nước về Ngã Bảy, không chỉ tỏa ra khắp đất nước mà còn vượt biên giới với bạn bè năm châu


        Từ sớm tinh mơ, hàng trăm ghe thuyền của bà con nông dân đi khắp vùng đã rộn ràng họp chợ. Tiếng máy nổ, tiếng vỗ sóng, tiếng chèo khua, tiếng gọi nhau ý ới… tạo nên một vùng âm thanh hối hả. Khác với chợ trên bờ, chợ giữa sông đi bằng thuyền, cả người mua lẫn người bán luôn di chuyển. Chợ nổi không dùng các bảng hiệu quảng cáo . Trước mỗi sạp thuyền có dựng một cậy sào cao buộc những mặt hàng muốn bán. Từ xa, khách cứ định vị mà cho thuyền cặp thuyền bán. Dân gian gọi cây sào đó là “bẹo”. Chỉ cần nhìn bẹo là biết thuyền bán gì.


        Hàng hóa ở chợ nổi rất phong phú. Trên bờ có gì, dưới sông có nấy , trừ vài mặt hàng tối kỵ không thể treo lên bẹo . Từ cây kim, sợ chỉ đến đồ gia dụng. Từ rau quả đến thực phẩm và rất nhiều trái cây. Có loại bán ký, có loại bán mớ, bán chục. Gọi là chục nhưng nhiều thứ dao động từ 12-18. Thuyền bè san sát, đi lại như mắc cửi nhưng không hề ùn tắc.


     Đi chợ nổi, trước hết là để thỏa sức ngắm nhìn. Đủ thứ trái cây về đây họp mặt. Đủ hương vị và màu sắc, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon rồi. Ngoài việc mua về dùng thì điểm thâm trên chợ nổi cũng rất thú vị. Giữa không khí trong lành bạn nên thử thưởng thức những món ngon dân dã, bình dân mà lạ miệng: bánh canh ngọt, hủ tíu vườn, bánh bột lọc, bánh xèo quê…đậm đà hương vị.




     Có thể nói chợ nổi Phụng Hiệp là khu chợ độc đáo của thế giới, phải được giữ gìn và phát huy. Đó là một thương trường lộ thiên kỳ diệu, là sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị thiên nhiên mang đậm sắc thái Việt. Nếu có dịp đến với sông nước miền Tây, đừng quên ghé qua Phụng Hiệp nhé!
      Để đến Phụng Hiệp, các bạn có thể đặt vé máy bay với đích đến là Cần Thơ  rồi đi đường bộ về phía nam thêm 30 km, rất thuận lợi .  Bạn còn đợi gì nữa, chuẩn bị cho mình một chuyến du lịch và tận hưởng, khám phá những điều mới lạ trên vùng đất hào sảng này nhé
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét